Chủ Nhật, 18 tháng 7, 2021

MÈO BỊ NÔN RA BỌT TRẮNG CÓ PHẢI LÀ DẤU HIỆU NGUY HIỂM?

 Mèo nôn ra các dịch màu khác nhau xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau. Nôn có thể là triệu chứng của các bệnh nguy hiểm. Nếu mèo bị nôn ra bọt trắng, bạn nên xem xét các nguyên nhân ở đây.

1. Bỏ bữa


Giống như dạ dày của người, dạ dày của mèo cũng sản xuất ra các axit để tiêu hóa thức ăn. Nếu mèo bỏ bữa hoặc không ăn đúng giờ, các axit tiêu hóa sản xuất nhiều mà không có thức ăn để tiêu hóa có thể gây kích ứng cho dạ dày mèo, gây nôn cho bé. Bên cạnh việc mèo bị nôn ra bọt trắng, mèo còn có thể nôn ra dịch màu vàng khi bỏ bữa thế này. Vậy nên, bạn cố gắng cho boss ăn đúng bữa đúng giờ để tránh tình trạng này nhé!


2. Búi lông


Búi lông kết lại trong ruột mèo sẽ được tống ra khỏi cơ thể theo 2 cách: 1 là đi theo phân, 2 là ói ra ngoài hoặc kẹt lại trong ruột mèo và phải phẫu thuật. Thông thường, mèo sẽ ói búi lông ra ngoài kèm theo một ít dịch. Tuy nhiên nếu mèo bị nôn ra bọt trắng thì có thể đó là dấu hiệu của búi lông mặc dù búi lông chưa được đào thải.

Ngăn ngừa hình thành búi lông cũng khá đơn giản, bạn chỉ cần kết hợp việc chải lông kèm theo các loại gel hay sản phẩm ngừa búi lông là đã hạn chế rất nhiều lần nguy cơ tích tụ búi lông cho boss rồi đấy!


3. Viêm dạ dày

Một vài trường hợp, mèo ăn phải những thứ không nên ăn và bị chính thứ này kích thích dạ dày. Trường hợp này, mèo thường ói ra bọt trắng đôi khi lẫn cả máu hoặc mật (dịch màu vàng). Vì dạ dày không khỏe nên mèo thường chán ăn, ủ rũ và mất nước. Nếu bạn phát hiện thêm những dấu hiệu này thì bạn nên đưa mèo cưng đến phòng khám thú y ngay.


4. Hội chứng ruột kích thích (IBS)


Hội chứng ruột kích thích IBS còn được gọi là bệnh viêm ruột. Đây là một trong những nguyên nhân gây nôn ói phổ biến nhất ở mèo. Khi mắc hội chứng IBS, mèo bị nôn ra bọt trắng kèm theo tiêu chảy. Nếu bác sĩ thú y nghi nghờ boss nhà bạn mắc hội chứng này, họ sẽ chẩn đoán kỹ lưỡng và lên kế hoạch điều trị để làm giảm các triệu chứng cho em ấy.


5. Viêm tụy

Mèo có thể bị viêm tụy cấp tính hoặc mãn tính. Thông thường mèo bị viêm tụy hay nôn kèm theo tiêu chảy, lông rụng và mỏng hơn. Viêm tụy cũng có thể xảy ra đồng thời cũng các bệnh khác, chẳng hạn như: bệnh đường tiêu hóa, gan, tiểu đường.


6. Suy gan


Mèo bị suy gan thường xuất hiện hàng loạt triệu chứng như mèo bị nôn ra bọt trắng, không thèm ăn, sụt cân, vàng da, tròng mắt bị trắng.


Thật tiếc là bệnh gan ở mèo không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, các bác sĩ thú y có thể lên kế hoạch kiểm soát để làm giảm các triệu chứng bệnh để ngăn bệnh phát triển thêm.


7. Bệnh tiểu đường


Nếu mèo bị tiểu đường, không chỉ nôn ra bọt trắng mà mèo còn có thể uống nước nhiều hơn, có thể bao gồm các triệu chứng: tăng cân, hôi miệng, lông mèo xấu đi.


Nếu bạn nhân thấy những dấu hiệu này ở mèo, tốt nhất là nên đưa đi khám bác sĩ ngay khi có thể để có phương hướng điều trị cho bé.


8. Suy thận


Thường hay gặp ở mèo lớn tuổi, mèo mắc bệnh suy thận mãn tính (CKD) thường có các triệu chứng như mèo bị nôn ra bọt trắng, uống nước nhiều nhưng vẫn bị mất nước, ăn không ngon, lông không đẹp và yếu.


Tương tự như bệnh gan, bệnh thận cũng không thể chữa khỏi mà chỉ kiểm soát được các triệu chứng bệnh.


9. Bệnh cường giáp


Là do tuyến giáp của mèo hoạt động quá mức và thường xảy ra ở mèo lớn. Các triệu chứng bệnh ngoài nôn mửa, có thể bao gồm giảm cân mặc dù ăn uống nhiều hơn, tiêu chảy, đi tiểu nhiều và kêu nhiều


10. Ký sinh trùng


Kiểm tra lại lịch tẩy giun của mèo ngay sen ơi! Ký sinh trùng nội có thể là nguyên nhân khiến mèo bị nôn ói đấy.


Nếu mèo bị nôn ra bọt trắng, tốt nhất bạn không nên để bé ở nhà một mình. Tốt nhất, bạn nên cho mèo đi khám để tìm ra nguyên nhân chính xác nhé!


Nguồn tham khảo: The Spruce Pets


 

NHỮNG VẤN ĐỀ TRÊN DA MÈO MÀ BẠN NÊN CHÚ Ý

 Bệnh ngoài da là một trong những vấn đề rất được người nuôi mèo quan tâm. Nếu bạn thấy tình trạng này xuất hiện trên da mèo, hãy quan sát thật kỹ vì có thể đó chính là một những vấn đề về da phổ biến ở mèo dưới đây.


1. Bọ chét và dị ứng với bọ chét trên mèo


Đây chính là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra nhiều vấn đề trên da mèo. Việc bọ chét ký sinh khiến mèo ngứa ngáy và gãi rất mạnh. Từ đó tạo ra những vết thương trên da và nảy sinh thêm nhiều vấn đề khác. 

Việc điều trị bọ chét đòi hỏi phải kiên trì và kết hợp trên tất cả mọi phương diện. Bởi vì lũ bọ chét này có thể nhảy ra khỏi cơ thể mèo và ẩn nấp đâu đó, chờ ngày tấn công lần nữa. Vậy nên, ngoài áp dụng biện pháp diệt trừ ký sinh trùng ngoài da cho mèo, bạn cần phải xử lý bọ chét và trứng bọ chét trong môi trường nuôi. Nếu bạn chưa biết cách trị bọ chét trên mèo thì cách tiêu diệt bọ chét này sẽ rất hữu ích với bạn đấy!

2. Dị ứng

Mèo có thể dị ứng với nhiều thứ giống như con người như dị ứng với phấn hoa, nấm mốc, thức ăn… Dị ứng ở mèo có thể dẫn đến rụng lông, nhiễm trùng da thứ phát do bị ngứa và gãi quá nhiều. Một số trường hợp mèo còn bị sụt cân do dị ứng. Cách tốt nhất để giải quyết tình trạng này chính là kiểm tra và thử với từng yếu tố bạn nghi ngờ là gây dị ứng cho mèo cưng của mình. Bạn sẽ tốn kha khá thời gian để tìm được chính xác nguyên nhân gây dị ứng cho mèo. Nhưng nếu may mắn hơn, bạn có thể biết được ngay trong một vài lần thử đầu tiên. Hãy bắt đầu ngay để biết được yếu tố gây dị ứng cho boss nhé nào.

3. Rận tai ở mèo

Rận tai gây ngứa ngáy khó chịu cho mèo. Những bé bị rận tai tấn công thường sẽ gãi nhiều ở phần đầu quanh tai và gây tổn thương cho vùng da này. Vì vậy, mèo rất cần được điều trị rận tai để giảm ngứa ngáy, khó chịu. Bạn nên đưa mèo đến bác sĩ thú y để được tư vấn phương pháp điều trị phù hợp nhất với tình trạng của mèo cưng.

4. Nấm da

Nấm da thường gặp nhất ở mèo thường tạo ra các mảng lông rụng, đóng vảy hình tròn. Một số trường hợp vùng da này còn hơi ửng đỏ. Điều đặc biệt là một số bé mặc dù không có biểu hiện của bệnh ngoài da nhưng vẫn có thể truyền bệnh này cho mèo khác. Đương nhiên, ngay khi phát hiện, bạn nên đưa mèo đến phòng khám thú y để được tư vấn điều trị. 


5. Chấm đen ở cằm và đuôi của mèo

Những chấm đen này tương tự như mụn trứng cá ở người. Chúng thường xuất hiện ở dưới cằm và phần đuôi gần với thân của mèo. Nguyên nhân là do tuyến bã nhờn hoạt động quá mức khiến cho vùng da này có nhiều dầu thừa, cộng thêm bụi bặm từ môi trường dẫn đến hình thành những chấm đen. Để loại bỏ mụn đầu đen của mèo, bạn nên thường xuyên làm sạch vùng da này theo cách dưới đây. 


6. Vết thương và áp xe

Những vết thương có thể nhanh chóng biến chứng nặng hơn và dẫn đến áp xe. Một khi da bị tổn thương, vi khuẩn sẽ nhanh chóng xâm nhập sau đó gây nhiễm trùng thứ cấp và áp xe. Áp xe thường được hình thành một vài ngày sau khi mèo bị thương. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của áp xe, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh hoặc phẫu thuật để loại bỏ.


7. Viêm da do dị ứng

Viêm da là một bệnh ngoài da do bị kích thích từ những chất gây dị ứng, trong đó bao gồm cả bọ chét. Viêm da xuất hiện với những vết sưng đỏ, đóng vảy ở đầu, cổ, lưng và đuôi kèm theo ngứa ngáy. Để giảm bớt khó chịu, mèo sẽ tăng cường liếm lông nhiều hơn, như một cách để gãi ngứa. Trong trường hợp nghiêm trọng, mèo có thể cắn và tự nhổ lông mình. Mèo bị viêm da nên được điều trị. Bác sĩ thú y có thể kê thuốc kháng sinh hoặc thuốc trị ngứa tùy theo tình trạng da.


8. Loét bạch cầu

Loét bạch cầu ái toan xuất hiện như một vết loét ở môi mèo, thường là ngay gần trước mũi. Những vết loét này có thể do một số loại dị ứng gây ra. Mặc dù nhìn khá nghiêm trọng nhưng loét bạch cầu ái toan không gây đau đơn cho mèo. Tuy nhiên, bạn vẫn cần đưa mèo đến bác sĩ thú y để bảo đảm rằng vết loét này không trở nên nghiêm trọng hơn. Boss có thể cần được điều trị bằng cách tiêm thuốc hoặc dùng thuốc uống. Trường hợp nhẹ mèo có thể tự khỏi mà không cần điều trị. 


Đây là những vấn đề về da mà bạn nên biết khi nuôi mèo. Cập nhật ngay những thông tin bổ ích này để sớm phát hiện và điều trị kịp thời khi mèo cưng gặp vấn đề sen nhé!


Bài đăng phổ biến